CẦN CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ ĐỂ CÁC MỤC TIÊU ĐẶT RA ĐẦU NĂM MỚI THÀNH CÔNG?
Khi bước sang một năm mới, mỗi chúng ta thường đặt ra một số mục tiêu trong công việc hay trong cuộc sống. Có những mục tiêu bạn dễ dàng đạt được, nhưng có những mục tiêu năm này sang năm khác, bạn vẫn chưa thể hoàn thành. Vì sao lại như vậy? Phải chăng mục tiêu mà bạn đặt ra quá khó cho mình nên không làm được như việc thăng tiến trong nghề nghiệp, thói quen luyện tập bị trì hoãn liên tục, hoặc mục tiêu về tình cảm quá mù mờ.
Đừng vội chùn bước, bạn không phải là trường hợp duy nhất. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Scranton cho thấy chỉ 8% số người lập quyết tâm cho năm mới là có thể hoàn thành được mục tiêu của mình.
Đối với một số người, đặt ra mục tiêu và chia sẻ mục tiêu với đồng nghiệp, bạn bè, coi đó như một lời hứa, lời cam kết thực hiện. Tuy nhiên, đôi khi những lời hứa năm mới lại phản tác dụng bằng những cách mà chúng ta không nhận ra, theo Joseph Luciani, một nhà tâm lý học tại New Jersey, Hoa Kỳ. “Dự định là những việc kinh khủng. Chúng ta từ những người đầy nhiệt huyết trở thành những người than vãn rằng: Việc này sao khó thế!”.
Tự lùi ngày thực hiện chính là một dạng trì hoãn. Nếu bạn thực sự nghiêm túc theo đuổi mục tiêu định ra trong năm mới, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt, đừng chần chừ, đừng trì hoãn. Hãy đừng “khoe” vội cho đến khi bạn thành công. Việc khoe khoang với mọi người về tham vọng của bạn cũng có thể tạo những cảm giác đắc thắng trong khi bạn chưa hề động tay, động chân làm gì cả.
Đặt mục tiêu đơn giản
Để đạt được mục tiêu, trước tiên, hãy đặt những mục tiêu đơn giản và nâng độ khó dần lên. Ví dụ, đối với một nhân viên kinh doanh mới, 3 tháng đầu có thể đặt mục tiêu doanh thu là 40 triệu đồng/ người/ tháng và nâng dần lên 60 triệu, 80 triệu/ người/ tháng vào quý sau. Như vậy, họ sẽ dễ đạt được thành công hơn và có những động lực dẫn dắt họ hoàn thành những mục tiêu khó nhằn hơn.
Có thể bạn đã từng nghe nói về “Mục tiêu SMART” rồi nhưng bạn đã áp dụng các quy tắc đó chưa? Có thể nói, mục tiêu thiết lập theo quy tắc SMART sẽ tạo ra nhiều động lực cho người thiết lập hơn. Có nhiều cách diễn giải về từ SMART nhưng nhìn chung thì SMART được hiểu như sau:
– Specific – Thiết lập mục tiêu cụ thể: Mục tiêu phải rõ ràng và được xác định rõ, tránh đặt mục tiêu mơ hồ hoặc chung chung vì không mang lại định hướng đầy đủ. Hãy nhớ rằng, bạn cần mục tiêu để chỉ đường do đó phải làm cho mục tiêu trở nên dễ dàng hơn bằng cách xác định chính xác nơi bạn muốn kết thúc.
– Mesurable – Đặt mục tiêu đo lường được: Mục tiêu phải bao gồm khối lượng công việc chính xác, ngày tháng, vv…để có thể đo lường mức độ thành công của mục tiêu đó. Nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn giản là “Giảm chi phí” thì làm sao bạn biết được khi nào mình sẽ thành công? Trong một tháng nếu bạn giảm được 1% chi phí hay trong thời gian hai năm khi bạn giảm được 10% chi phí? Nếu không có cách để đo lường thành công, bạn bỏ lỡ dịp được ăn mừng thời điểm thành công tới.
– Achievable – Đặt mục tiêu khả thi: Phải đảm bảo mục tiêu đặt ra có khả năng thực hiện được nếu không bạn sẽ dễ dàng mất tự tin và thấy nản lòng. Tuy nhiên, cũng tránh thiết lập mục tiêu quá dễ dàng vì khi bạn không phải làm việc vất vả để đạt được mục tiêu, chiến thắng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì và khiến bạn nhát gan không dám đặt ra các mục tiêu có nguy cơ cao. Tốt nhất nên thiết lập một mục tiêu thực tế nhưng thử thách để cân bằng mọi thứ khiến bạn phải “nâng cao khả năng” và mang lại sự hài lòng lớn nhất cho bản thân.
– Realistic/ Relevant – Đặt mục tiêu tương thích: Khi đặt mục tiêu tương thích với định hướng cuộc sống và sự nghiệp, bạn có thể phát triển tập trung để luôn tiến lên và hoàn thiện mình. Còn nếu đặt mục tiêu quá rộng và không phù hợp, bạn sẽ thấy thời gian sẽ đi một đường, còn cuộc sống sẽ đi một nẻo.
– Time-bound – Đặt mục tiêu có thời hạn: Mục tiêu luôn phải có thời hạn. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ biết được thời điểm chính xác để ăn mừng thành công. Khi bạn làm việc dưới sức ép của hạn chót, bạn sẽ thấy cấp thiết và đạt được thành công nhanh hơn.
Ngoài ra, bạn cũng cần kiên định.
Lý do khiến mọi người không đạt được các mục tiêu là họ không kiên trì. Giảm cân là một ví dụ điển hình, đây là một quy trình đòi hỏi phải có thời gian và từng bước một, đừng cố tạo ra một sự biến đổi sau một đêm. Thay vào đó, hãy tập trung vào một việc và thực hiện nó hằng ngày trong khoảng thời gian nhất định. Sự thay đổi sẽ dẫn tới ngày càng nhiều thói quen thay đổi theo, và bạn sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình.
Công ty TNHH QMS Việt Nam