Tiêu chuẩn ISO 14001:2015
1. Lịch sử phát triển của Tiêu chuẩn ISO 14000
– ISO 14001:1996: Tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường được ban hành lần đầu
– ISO 14001:2004: Ban hành lần thứ 2
– ISO 14001:2015: ban hành lần thứ 3
Cơ quan ban hành: Tổ Chức Tiêu Chuẩn Hóa Quốc Tế ISO (Internaltional Organization for Standardization)
2. Phạm vi áp dụng
Đây là một tiêu chuẩn về hệ thống quản lý, có tính tổng quát và mọi ngành hay mọi lĩnh vực, mọi quy mô đều có thể áp dụng được.
3. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 hiện hành
Bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý môi trường (HTQLMT) ISO 14000 bao gồm:
- ISO 14001:2015 – Hệ thống quản lý môi trường – Các yêu cầu và hướng dẫn áp dụng (Environmental management systems – Requirements with guidance for use)
- ISO 14004:2016 – Hệ thống quản lý môi trường – Hướng dẫn chung về việc áp dụng (Environmental management systems – General guidelines on implementation)
- ISO 14005:2019 – Hệ thống quản lý môi trường Hướng dẫn cách tiếp cận linh hoạt để thực hiện theo từng giai đoạn (Environmental management systems – Guidelines for a flexible approach to phased implementation)
- Ngoài ra còn có những tiêu chuẩn liên quan khác như Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50000 …
Ghi chú: Tất cả Bộ các tiêu chuẩn ISO khác đều gồm nhiều tiêu chuẩn, trong đó tiêu chuẩn có kí hiệu “xxxx1” nêu các yêu mà Tổ chức cần tuân thủ và các hướng dẫn cơ bản cho việc áp dụng tiêu chuẩn.
4. Mục đích của việc ban hành tiêu chuẩn ISO 14000
– ISO 14001:2015 được xây dựng nhằm tạo cho Tổ chức một khuôn khổ để bảo vệ môi trường và ứng phó với các thay đổi của môi trường trong sự cân bằng với các yếu tố kinh tế – xã hội.
– Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu giúp tổ chức đạt được các kết quả dự kiến của HTQLMT.
– Cách tiếp cận có hệ thống để quản lý môi trường có thể cung cấp cho các cấp quản lý cao nhất các thông tin để xây dựng thành công HTQLMT của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp và cộng đồng.
5. Các lợi ích cho Doanh nghiệp, Tổ chức khi áp dụng ISO 14000
– Bảo vệ môi trường nhờ ngăn ngừa hoặc giảm nhẹ các tác động tiêu cực tới môi trường,
– Giảm nhẹ những tác động bất lợi tiềm ẩn của môi trường tới tổ chức
– Hỗ trợ trong việc thực hiện các nghĩa vụ tuân thủ (Các văn bản Pháp quy về môi trường và các yêu cầu tuân thủ khác từ khách hàng, nhà đầu tư …).
– Nâng cao kết quả thực hiện của các hoạt động liên quan đến môi trường
– Kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng đến cách thức mà các sản phẩm hoặc dịch vụ mà Doanh nghiệp, Tổ chức đang thực hiện bằng cách áp dụng quan điểm vòng đời (life cycle) để ngăn chặn những tác động đến môi trường phát sinh trong bất kỳ giai đoạn nào trong chu trình tạo nguyên liệu, sản xuất, vận chuyển, sử dụng, thải bỏ.
– Đạt được lợi ích về tài chính và hiệu quả hoạt động cho Doanh nghiệp
– Củng cố vị thế, chứng minh năng lực cạnh tranh quốc tế, tạo thêm thế mạnh cho hoạt động kinh doanh
– Thương hiệu được doanh nghiệp toàn thế giới thừa nhận
– Trao đổi thông tin về môi trường cho các bên quan tâm có liên quan.
6. Tiếp cận quản lý trong ISO 14001:2015
ISO 14001:2015 có nhiều điểm tương đồng so với phiên bản năm 2004 tuy nhiên có một số thay đổi lớn mà phiên bản năm 2015 mang lại để tăng tính tương thích với các tiêu chuẩn khác, ví dụ ISO 9001:2015 và ISO 45001:2018.
- Sự cam kết mạnh hơn từ lãnh đạo
- Tập trung vào quản lý rủi ro
- Tầm quan trọng của đo lường mục tiêu môi trường
- Tăng cường bảo vệ môi trường: tập trung vào các sáng kiến chủ động và cải tiến hiệu quả môi trường
- Trao đổi thông tin hiệu quả hơn thông qua chiến lược truyền thông
- Tư duy về vòng đời sản phẩm, xem xét từng giai đoạn của một sản phẩm hoặc dịch vụ, từ giai đoạn phát triển cho đến kết thúc
7. Cấu trúc điều khoản trong ISO 14001: 2015
ISO 14001:2015 đưa ra 10 điều khoản, tương tự cấu trúc của ISO 9001:2015, ISO 45001:2018, ISO 22001:2018; trong đó điều khoản 1, 2, 3 là phần giới thiệu về phạm vi áp dụng tài liệu viện dẫn và thuật ngữ định nghĩa, từ điều khoản 4 đến 10 đưa ra các yêu cầu cần phải tuân thủ.
1. Phạm vi áp dụng
2. Tài liệu viện dẫn
3. Thuật ngữ và định nghĩa
4. Bối cảnh của tổ chức
5. Sự lãnh đạo
6. Hoạch định
7. Hỗ trợ
8. Thực hiện
9. Đánh giá kết quả hoạt động
10. Cải tiến
Nhờ cấu trúc tương đồng với các tiêu chuẩn ISO phiên bản mới, các tổ chức sẽ thuận lợi hơn khi xây dựng một hệ thống quản lý tích hợp và mang lại các cơ hội khác để tiếp cận trình độ quản lý chung theo chuẩn mực quốc tế.
(Tổng hợp từ ISO.org
Tác giả: Phương Châu & Khánh Tuyền)