XÂY DỰNG VĂN HÓA AN TOÀN TRONG DOANH NGHIỆP

Sự phát triển không ngừng của xã hội, các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có những nhận thức tích cực hơn về giá trị con người của người lao động, theo đó, xây dựng một văn hóa an toàn lao động của doanh nghiệp càng ngày càng trở nên thiết yếu.

Định nghĩa an toàn lao động

Theo ILO: “An toàn lao động là tình trạng nơi làm việc đảm bảo cho người lao động làm việc trong điều kiện không nguy hiểm đến tính mạng, không bị tác động xấu đến sức khoẻ. Tình trạng điều kiện lao động không gây ra sự nguy hiểm trong sản xuất”.

Văn hóa an toàn bao gồm những niềm tin, quan điểm, thái độ và cách ứng xử, tồn tại trong một doanh nghiệp. Văn hóa là môi trường được tạo ra từ những niềm tin, thái độ này, có vai trò tạo nên hành vi của chúng ta. Văn hóa an toàn của một doanh nghiệp là kết quả tổng hợp của một số yếu tố sau:

– Những chuẩn mực, nhận thức và niềm tin của các cấp quản lý và người lao động;

– Quan điểm, thái độ của các cấp quản lý và người lao động;

– Các giá trị, những bài học, tấm gương;

– Các chính sách và thủ tục;

– Những ưu tiên, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của nhà quản lý;

– Áp lực của sản xuất và lợi nhuận trong mối tương tác với các yêu cầu về chất lượng;

– Những hành động hoặc sự thiếu hành động sửa chữa đối với các hành vi không an toàn;

– Huấn luyện và tạo động lực cho người lao động;

– Sự tham gia của người lao động hay sự ủng hộ cho các ý tưởng/kế hoạch.

Trong một nền văn hóa an toàn vững mạnh, mọi người đều cảm thấy có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn, và luôn nỗ lực để đạt được điều đó mỗi ngày; người lao động không chỉ hoàn thành phận sự của mình mà còn tự động nhận diện các tình trạng và hành vi thiếu an toàn; và tham gia vào việc điều chỉnh, khắc phục chúng. Ví dụ, trong một nền văn hóa an toàn vững mạnh, bất cứ người lao động nào cũng cảm thấy thoải mái khi trao đổi với quản lý phân xưởng hoặc giám đốc điều hành và nhắc nhở họ đeo kính bảo hộ. Tương tự, các đồng nghiệp sẽ thường xuyên quan tâm lẫn nhau và chỉ ra những hành vi không an toàn của đối phương.

Xây dựng văn hóa an toàn cần có thời gian. Đó thường là quá trình kéo dài nhiều năm, kèm theo đó là một loạt các bước cải tiến liên tục. Cam kết của người sử dụng lao động và người lao động là những dấu hiệu nhận diện chuẩn xác nhất của một nền văn hóa an toàn thực sự, khi mà an toàn đã trở thành một phần không thể thiếu của hoạt động thường ngày.

Lợi ích của văn hóa an toàn lao động

An toàn lao động giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các hoạt động nhằm bảo vệ người lao động,  từ đó giúp hạn chế tối đa các tai nạn lao động, làm giảm nỗi đau, thiệt hại cho chính người lao động, gia đình người lao động và xã hội. Từ kết quả quan sát được tại những khu vực làm việc thuộc Chương trình bảo vệ tự nguyện của Cơ quan An toàn vệ sinh lao động Hoa Kỳ (OSHA VPP), được củng cố bởi các nghiên cứu độc lập, đã cho thấy rằng xây dựng nền tảng văn hóa an toàn vững chắc sẽ tác động mạnh mẽ tới việc giảm thiểu tai nạn trong bất cứ quá trình sản xuất nào. Bởi lý do này, xây dựng và phát triển văn hóa an toàn nên là ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các nhà quản lý.

Một doanh nghiệp với nền văn hóa an toàn vững mạnh thường có ít hành vi có thể đưa tới rủi ro, và bởi vậy doanh nghiệp đó sẽ có tỉ lệ tai nạn lao động thấp, tỉ lệ thay đổi lao động thấp, tỉ lệ xin nghỉ/vắng mặt của người lao động thấp, và năng suất lao động cao. Đây thường là những doanh nghiệp hết sức thành công bởi họ vượt trội trong tất cả các mặt.

Khi kinh doanh không đảm bảo an toàn lao động, doanh nghiệp có thể phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề. Nhưng ngược lại, nếu doanh nghiệp xây dựng được một nền văn hóa an toàn, kết quả thu được của doanh nghiệp sẽ ngoài sự mong đợi. Văn hoá an toàn góp phần tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp trên cơ sở phát huy nhân tố con người và phát triển con người nhờ giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích các bên (Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động), tạo động lực mới cho phát triển của doanh nghiệp. Có thể nói rằng, xây dựng và nâng cao văn hoá an toàn trong doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của doanh nghiệp.

Xây dựng và duy trì văn hóa an toàn tại nơi làm việc là xu hướng tất yếu mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cho người lao động và cho cả đất nước. Đó là việc tạo ra không khí làm việc lành mạnh, phấn khởi ở cơ sở; làm cho người sử dụng lao động và người lao động thấy rõ hơn trách nhiệm của mình; chủ động tích cực thực hiện các quy định của pháp luật, các kế hoạch, biện pháp để cải thiện điều kiện làm việc, phòng chống tai nạn và bệnh nghề nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao uy tín của doanh nghiệp.

Văn hoá an toàn được coi là một bộ phận rất cơ bản, chính yếu của văn hoá doanh nghiệp sẽ góp phần củng cố và nâng cao uy tín, thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp trong cạnh tranh (trong nước và quốc tế).

Trong phát triển nền kinh tế dựa trên nền công nghiệp hiện đại, thì phát triển thể chế văn hoá an toàn trong doanh nghiệp (luật và các tiêu chuẩn, quy phạm vận hành máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, công nghệ cao; các nguyên tắc pḥng ngừa, về vệ sinh lao động…), nhất là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về an toàn và sức khoẻ người lao động trong doanh nghiệp, là một trong những điều kiện quan trọng để hội nhập.

Ngược lại, khi doanh nghiệp không có văn hóa an toàn sẽ dẫn tới hậu quả tai nạn lao động tiếp tục gia tăng thậm chí còn gây tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp cả về mặt nhân lực lẫn kinh doanh.

Xây dựng văn hóa an toàn trong doanh nghiệp

Văn hóa an toàn dựa trên nền tảng người lao động có thể giúp giảm nhiều rủi ro với chi phí thấp và hiệu quả cao.

 

Để xây dựng bền vững văn hóa an toàn cần thay đổi nhận thức và thái độ của người lao động tạo nên nền tảng thay đổi về niềm tin và giá trị.

– Nhận thức: thay đổi nhận thức của người lao động về an toàn sẽ không thể thay đổi hành vi của họ. Nhưng nếu có sự nhất quán và xuyên suốt thì nó có thể tạo nên tiền đề thay đổi thái độ của con người lao động. Biện pháp để thay đổi nhận thức bao gồm: tuyên truyền, tổ chức các cuộc họp an toàn định kỳ, nói về chủ đề an toàn tại mỗi cuộc họp,…

– Thái độ: thái độ về an toàn có thể thay đổi khi có sự nhất quán ở mọi cấp độ trong tổ chức phản ánh mức độ ưu tiên của công ty đối với an toàn. Thái độ có thể thay đổi khi: công ty không xem nhẹ vấn đề an toàn ngay cả khi chịu sức ép của tiến độ hoàn thành công việc, lãnh đạo lắng nghe những nỗi bận tâm và đề xuất, người lao động được ghi nhận hay khen thưởng khi có những đề xuất hay phát hiện về an toàn,…

– Niềm tin: niềm tin thay đổi thông qua hành vi khi có sự tham gia của người lao động. Khi người lao động đóng vai trò tích cực trong nỗ lực an toàn, họ là một phần của thành công. Nếu có sự tham gia của người lao động, niềm tin của họ có thể được thay đổi, tạo ra nền tảng cho sự thay đổi về giá trị. Người lao động có thể trở thành thành viên tích cực bằng cách: là thành viên của hội đồng bảo hộ, thực hiện việc kiểm tra, trực tiếp giảng dạy, đánh giá và kiểm soát các mối nguy.

– Giá trị: thay đổi giá trị đòi hỏi sự cam kết bền vững để thu hút sự tham gia của người lao động và chia sẻ thành công. Mọi người phải thấy được sự cam kết qua một vài năm trước khi nó trở thành một phần giá trị của công ty và người lao động. Một công ty có thể có một chương trình an toàn tốt nếu như công ty đó có các điều kiện an toàn và sự tuân thủ tốt nhưng vẫn chưa thể có được một văn hóa an toàn tốt. Bởi vì để tạo ra một môi trường làm việc an toàn không thể thiếu được sự tham gia của người lao động.

Bất cứ quá trình nào có khả năng gắn kết tất cả các cấp trong doanh nghiệp, cùng hợp tác vì mục tiêu chung là mọi cá nhân đều có vai trò quan trọng như nhau, đều sẽ khiến văn hóa doanh nghiệp trở nên vững mạnh hơn. Đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động là lĩnh vực duy nhất có thể làm được điều này. Nó là một trong một số ít những sáng kiến đưa tới lợi ích to lớn cho lực lượng lao động. Kết quả là, việc đạt được sự ủng hộ từ người lao động sẽ cho phép doanh nghiệp tiến hành những thay đổi một cách hiệu quả. Đạt được sự ủng hộ và tham gia từ người lao động trong cải thiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) dễ dàng hơn nhiều so với việc đạt được sự ủng hộ của họ trong cải tiến chất lượng hay gia tăng lợi nhuận.

Khi áp dụng những cải tiến quy trình cần thiết, cả ba lĩnh vực này (ATVSLĐ, chất lượng và lợi nhuận) đều sẽ được tăng cường, đồng thời cũng phát triển được một nền văn hóa làm nền tảng hỗ trợ cho những cải tiến liên tục trong tất cả các lĩnh vực. Những quy trình sẽ được đề cập tới sau đây đại diện cho các quá trình chính và các mốc quan trọng cần có để áp dụng thành công một quy trình chuyển đổi về ATVSLĐ.

Văn hóa an toàn và văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa an toàn lao động chính là một bộ phận không thể tách rời của Văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng bao gồm các yếu tố: pháp luật và đạo đức. Yếu tố pháp luật của doanh nghiệp chính là hệ thống pháp luật hoàn chỉnh của Nhà nước, trong đó có những quy định cho quy trình, quy phạm về Bảo hộ lao động. Yếu tố đạo đức ở đây được hiểu là cái tâm của người chủ doanh nghiệp đối với người lao động, thể hiện ở việc thực thi nghiêm chỉnh những quy trình, quy phạm về Bảo hộ lao động; chăm lo đời sống, tình cảm của người lao động đối với doanh nghiệp.

Văn hóa an toàn không chỉ là một nét văn hóa mang đậm chất nhân văn của doanh nghiệp mà nó còn có thể giúp doanh nghiệp tạo ra những thành tích đáng kể trong kinh doanh. Các nhà lãnh đạo cần hiểu rằng văn hóa an toàn phải được xây dựng trước hết bằng cái tâm của người quản lý và cái tâm đó được thể hiện bằng hành động: làm tất cả những gì có thể làm được vì sự an toàn cao nhất cho người lao động.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đều hiểu được rằng Văn hóa doanh nghiệp, Văn hóa doanh nhân và Văn hóa an toàn lao động, xây dựng thương hiệu tuy là các khái niệm khác nhau, nhưng có sự liên quan hữu cơ với nhau trong một chỉnh thể – Văn hóa doanh nghiệp.

 

Nguồn: Sưu tầm

Công ty TNHH QMS Việt Nam

DỊCH VỤ

  • Chứng nhận
  • Đào tạo

TIN TỨC